Điều trị bệnh tim ở người cao tuổi: Cần giải pháp phù hợp

Ở người cao tuổi, sức khỏe đã giảm sút nhiều, toàn bộ các hệ thống trong cơ thể suy yếu nên khi điều trị bệnh tim cần phải vô cùng thận trọng. Thay van động mạch chủ qua da (TAVI) là kỹ thuật tiên tiến trên thế giới và có tỷ lệ thành công cao.
1. Điều trị bệnh tim ở người già có gì khác?
Hệ tuần hoàn cũng như các hệ thống khác trong cơ thể người già đều suy giảm về chức năng; các bệnh lý về tim mạch, huyết áp,...không chỉ do tuổi tác, tự phát, mà có thể còn do quá trình sống với nhiều thói quen không hợp lý khiến cho việc điều trị bệnh tim ở người già trở càng trở nên phức tạp.
1.1 Trong điều trị nội khoa
Dùng thuốc phải tránh sự tương kỵ giữa các loại thuốc.
Tỷ lệ người lớn tuổi bị các bệnh lý tim mạch, tiểu đường, huyết áp, phì đại lành tính tuyến tiền liệt,...lại cộng thêm các bệnh lý mãn tính do thoái hóa như xương khớp, bệnh gan mạn, bệnh thận mạn tính... Việc sử dụng nhiều loại thuốc cùng một lúc để điều trị các bệnh trên không chỉ yêu cầu để ổn định các bệnh mạn tính đó mà còn phải rất thận trọng để tránh tương tác thuốc, nếu không sẽ vô cùng nguy hiểm cho sức khỏe. Đối với người già, bị nhiều bệnh cùng một lúc cũng tạo nên vòng xoắn bệnh lý- một bệnh trở nặng có thể kéo theo bệnh lý khác tiến triển, do đó, nếu không được chăm sóc và điều trị phù hợp, sẽ không thể giữ được sức khỏe dài lâu.
1.2 Đối với điều trị ngoại khoa
Điều trị nội khoa đã phức tạp, nếu như người già bị bệnh tim, đặc biệt là bệnh tim mãn tính dẫn đến suy tim mà cần điều trị ngoại khoa thì lại phức tạp hơn rất nhiều lần.
Nếu cần phẫu thuật ngoại khoa, thì cần chọn giải pháp nào tối ưu nhất có thể, theo các tiêu chí:
- Thời gian phẫu thuật: Người già là đối tượng có khả năng chịu đựng thấp hơn bình thường. Do đó, nếu phẫu thuật mổ hở, kéo dài, gây mê toàn thân và mất máu nhiều thì khó có thể chịu đựng được.
- Kháng sinh dự phòng nhiễm khuẩn: Phương pháp phẫu thuật hiện đại, môi trường càng vô khuẩn, vết mổ nhỏ thì càng ít phải dùng kháng sinh dự phòng.
- Thời gian phục hồi: Càng sớm càng tốt.
Do đó, điều kiện cần phải có để điều trị hiệu quả bệnh tim ở người già là có một giải pháp phù hợp.
2. Những bệnh tim thường gặp
2.1. Bệnh van tim
Bình thường trong tim có 4 van, đó là: Van 2 lá, van 3 lá, van động mạch chủ, van động mạch phổi. Các van tim giúp định hướng dòng chảy của máu ra, vào tim.
Hình ảnh van tim ở người
Các bệnh van tim thường gặp chủ yếu là hở van tim và hẹp van tim như:
- Hở van
- Hở van 3 lá
- Hẹp van tim
- Hẹp van động mạch chủ
- Hở van động mạch chủ
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra bệnh lý van tim như:
- Bẩm sinh
- Các bệnh cơ tim: Làm thay đổi cấu trúc của tim và gây hở van tim.
- Nhồi máu cơ tim: Làm tổn thương dây chằng và các trụ cơ gây ra dãn hoặc đứt dây chằng hoặc trụ cơ, gây ra hở van tim.
- Tuổi cao: Khi có tuổi, van trở nên bị thoái hóa, dễ bị rách, dễ bị mảng bám canxi tại van (vôi hóa van tim) làm van bị dày lên và xơ cứng, hạn chế lưu lượng máu đi qua van.
- Một số bệnh lý khác cũng có thể gây ra bệnh lý van tim như: Bệnh động mạch vành, tăng huyết áp, phình động mạch chủ...
2.2. Bệnh cơ tim
Bệnh cơ tim thường gặp là nhồi máu cơ tim cấp và thiếu máu cơ tim mãn tính. Bệnh có liên quan chặt chẽ đến nguồn máu và oxy mà cơ tim được cung cấp.
2.3. Bệnh về động mạch tim
Thường gặp bệnh Động mạch vành tim, Phình động mạch chủ bóc tách.
2.4. Suy tim
Suy tim là tình trạng bệnh lý do tim bị yếu đi và không thể hoàn thành được chức năng bơm máu đi nuôi cơ thể một cách bình thường được.
Suy tim thường là diễn biến sau cùng của hầu hết các bệnh tim mạch, đặc biệt là nhóm những người già bị bệnh tim mạch mãn tính, hoặc không được điều trị tốt, hoặc có thói quen sinh hoạt không tốt (như hút thuốc, rượu bia,...), những người mắc nhiều bệnh lý mạn tính cùng một lúc như tiểu đường, suy thận,...
Có thể xếp thành 2 nhóm nguyên nhân chính gây suy tim:
- Nguyên nhân tại tim: Các bệnh lý hẹp và hở van tim, bệnh cơ tim, bệnh mạch vành...
- Nguyên nhân ngoài tim: Tăng huyết áp, suy thận, COPD, hen, cường giáp...